Những ngày tháng Tư, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang hướng về sự kiện lịch sử 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng nhiều hoạt động, dưới nhiều hình thức nhằm làm nổi bật tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội, như: BBC Tiếng việt; RFA, VOA, Việt Tân, Dân làm báo, Báo Tiếng dân,… xuyên tạc, ngụy biện rằng: “đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc”; “không có kẻ thua, người thắng, chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”. Chúng tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử về ngày 30/4/1975. Đồng thời, đưa ra hàng loạt các bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc để phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Chúng gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”; gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày quốc hận” và tháng 4 -1975 là “Tháng tư đen”; phủ nhận thành quả của đất nước sau ngày thống nhất, cho rằng sau 30/4/1975, đất nước lâm vào khủng hoảng, “tụt hậu” so với giai đoạn trước giải phóng.
Bên cạnh đó, chúng còn xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam đang chi rất nhiều tiền cho các hoạt động duyệt binh, diễu hành nhằm mục đích phô trương, mị dân; cho rằng “ngân sách được dồn vào những cuộc duyệt binh xa hoa, tốn kém cho lễ diễu binh, diễu hành diễn ra chỉ trong một ngày trong khi người dân lao động đang phải vật lộn với giá cả leo thang, hạ tầng xuống cấp, giáo dục, y tế đầy bất cập…”. Chúng nói bừa rằng mục đích của những hoạt động kỷ niệm này là “lấy ánh hào quang của quá khứ để làm cho người dân lãng quên những khó khăn, thách thức hiện nay”.
Những luận điệu trên tuy không mới, nhưng lại được trình bày dưới nhiều hình thức mới, đánh vào tâm lý hoài nghi, thiếu hiểu biết của một bộ phận quần chúng, đặc biệt là giới trẻ ít được tiếp cận đầy đủ với tư liệu lịch sử chính thống.
Chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỷ, lịch sử đã khép lại, và đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, được bạn bè quốc tế công nhận. Những giá trị lịch sử, ý nghĩa vĩ đại của Chiến thắng 30/4/1975 và thành tựu qua gần 40 năm đổi mới của đất nước ta là minh chứng sống động, khẳng định đanh thép nhất, đập tan những luận điệu xuyên tạc phủ nhận các giá trị cốt lõi của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cần khẳng định rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến tranh cách mạng chính nghĩa, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây không phải là cuộc nội chiến, mà là một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh: Để có ngày toàn thắng, non sông thu về một mối, quân và dân ta đã phải trải qua 21 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh, gian khổ, có những thời điểm tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Quân đội và Nhân dân cả nước, cùng tinh thần đoàn kết, triệu người như một “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”… Cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa, được cả thế giới ủng hộ.
Chúng còn nói rằng “sau 30/4/1975 đất nước rơi vào khủng hoảng” là một cách nhìn phiến diện, cố tình che giấu hoàn cảnh lịch sử. Sau nhiều năm chiến tranh tàn phá, cả nước vừa thống nhất vừa gánh chịu hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề, lại bị bao vây cấm vận toàn diện bởi các thế lực phương Tây. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh chính trị và sự sáng tạo, Nhân dân ta đã vượt qua khó khăn, từng bước đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư quốc tế và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Và không thể có sự phát triển hôm nay nếu không có độc lập và thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Những thành quả hôm nay là minh chứng hùng hồn cho con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Vậy mà thật buồn là vẫn có một số người giữ mãi định kiến, ôm hận và không thể vượt qua quá khứ. Lý do không chỉ đơn thuần là tính bảo thủ hay dấu ấn lịch sử còn lại mà đằng sau đó là những mưu đồ phản động, cơ hội chính trị, nhằm chống phá chế độ, phá hoại đất nước và đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Do không thể phủ nhận được ý nghĩa lịch sử lớn lao của sự kiện ngày 30/4/1975 nên các đối tượng chống đối đã cay cú tìm cách xuyên tạc mục đích của những hoạt động kỷ niệm nói trên. Năm nay, dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của dân tộc, là cơ hội để nhìn lại hành trình nửa thế kỷ phát triển đất nước. Mục đích của các hoạt động kỷ niệm, trong đó có lễ diễu binh, diễu hành tại thành phố Hồ Chí Minh, là để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, khẳng định tầm vóc lịch sử của chiến thắng vĩ đại, tôn vinh tri ân các anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã góp phần tạo nên chiến thắng 30/4. Đây cũng là dịp để nhìn lại thành tựu, cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín của đất nước sau 50 năm thống nhất, khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa không khí phấn khởi trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo tâm thế chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng lớn lao của dân tộc.
Những luận điệu sai trái, thù địch nói trên đối với những người có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng dễ nhận thấy cái đích cuối cùng của chúng là kích động, chống đối, phá hoại nội bộ ta, tạo làn sóng đòi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là thế hệ trẻ cần nêu cao cảnh giác, củng cố “sức đề kháng” trước các thông tin xấu độc; đồng thời, cần tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng lý lẽ sắc bén, bằng tiếng nói của sự thật và niềm tin lịch sử. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền tải những giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tới thế hệ trẻ bằng những hình thức gần gũi, sinh động, phù hợp với thời đại số. Đó cũng là cách thiết thực để bảo vệ thành quả cách mạng, khẳng định chính nghĩa lịch sử và nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Chiến thắng 30/4/1975 là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân các thế hệ cha anh, mà còn là lời nhắc nhở về bổn phận giữ gìn, phát huy thành quả cách mạng, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và tăng cường đấu tranh phản bác, làm thất bại âm mưu chống phá nhằm phủ nhận giá trị của ngày lịch sử trọng đại này.
LINH KIỀU
(LĐ online)